Rước Cậu Ba về tới nhà ông Hội đồng bàn ngay cuộc lễ tiệc, trước cúng ông bà, sau đãi thân bằng quyến thuộc. Ông giao việc này cho bà Hội đồng với mấy cô con gái, còn ông và ba cậu con trai bàn về cuộc tiệc đãi quan khách. Hai tiếng quan khách dùng ở đây rất chính xác vì khách được mời đều là quan. Tất cả viên chức người Pháp trong tỉnh từ trên xuống dưới đều được mời. Trên là chánh tham biện chủ tỉnh, dưới là “tào - cáo” - một loại cảnh sát thương nghiệp chuyên khám xét những nhà nấu rượu lậu để bảo đảm độc quyền sản xuất rượu của nhà máy rượu Bình Tây. Việc mời quan khách Tây trở nên sôi nổi khi ông Hội đồng tính mời đàn ông thôi, còn đàn bà thì không mời. Cậu Ba nói ngay:

– Đâu được ba! Người mình thì quen thói trọng nam khinh nữ theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (sanh một đứa con trai kể như có vốn, còn để mười đứa con gái cũng kể như bù). Như vậy là hủ lậu. Bên Tây con thấy đâu đâu người ta cũng trọng phụ nữ. Đúng là nam nữ bình quyền. Ra đường trai gái nắm tay nhau đi dạo phố, lúc cao hứng ôm nhau hun giữa đường. Người mình thấy chướng lắm, nhưng bên Tây coi đó là chuyện bình thường.

Nghe Cậu Ba kể chuyện bên Tây, hai ông bà Hội đồng nhăn mặt. Bà Hội đồng kêu lên: “Hun giữa đường? Trời đất! Vậy thì còn gì là công dung ngôn hạnh?” Cậu Ba liền giải thích cho mẹ:

– Người ta nói đi một ngày đường, học một sàng khôn. Chuyện trai gái hun nhau giữa đường bên Tây chỉ là một, còn nhiều chuyện khác nữa. Trong mấy năm ở bên Tây con nghiệm một việc trớ trêu thật là buồn cười. Mình với Tây khác xa một trời một vực. Tây thì hun nhau giữa đường, còn đái thì đái trong phòng vệ sinh là nơi kín đáo. Dân mình thì làm trái ngược lại. Hun thì lén lút như ăn trộm, còn đái thì công khai ngoài lộ. Ba má thấy có kỳ không? Hun nhau là biểu lộ tình cảm, tôi thích ai thì tôi hun. Có gì xấu xa đâu? Còn ỉa đái là chuyện dơ bẩn, không thể phóng uế bừa bãi được. Phải vậy không?

Ông Hội đồng gật gù:

– Đây là lần đầu tiên tao mới nghe chuyện này. Mấy nói cũng có lý. Hun giữa đường, đái trong kín, Tây đầm làm vậy. Còn mình hun lén lút, đái công khai. Thật là tréo ngoe! Bà Hội đồng ngừng têm trầu nối lời chồng:

– Đái ỉa phải có nơi kín đáo thì tôi thấy đúng, còn đái ỉa giữa đường là túng quá phải làm càn. Nhưng hun nhau nơi chợ búa thì chướng mắt, không chịu được!

Cậu Ba cười:

– Má chịu hay không chịu, điều đó chẳng cản trở gì nếp sống văn minh của người Pháp. Trở lại chuyện mời mấy thằng Tây ở đây thì phải mời đủ bộ cả ông lẫn bà. Ba hãy giở thiệp mời của Tây ra mà xem, bao giờ cũng “monsieur et madame” (ông và bà). Trong các cuộc hội họp quan trọng, diễn giả khởi đầu bài diễn văn đều phải đưa nữ giới lên trên rồi mới tới nam giới…

– Phải vậy không đó mậy? Ông Hội đồng có vẻ không tin.

– Đó là sự thật, Con không hề thêm bớt, Các bài diễn văn đều bắt đầu như thế này: “Mesdames, messieurs, mesdemoiselles” (thưa các bà, các ông, các tiểu thư).

Ông Hội đồng gật gù:

– Vậy là phải mời cả vợ lẫn chồng, lại còn thêm các cô cậu. Vậy là đông dữ đa!

Bà Hội đồng vốn tánh “kim chỉ” nói:

– Mời vợ chồng thôi, không mời con cái…

Cậu Ba vỗ vai mẹ:

– Mình đã chịu chi thì không nên cắt xén, Con nói cho ba má biết là người Pháp coi gia đình rất trọng. Nhất là những người Pháp ở thuộc địa. Họ đã bỏ tất cả để qua xứ “khỉ ho cò gáy” này, gia đình vợ con là điều quý nhất đời họ. Trong ngày ai cũng có công việc riêng, chồng ở sở, vợ lo nội trợ, con đi học. Hai bữa ăn là hai bữa vợ chồng con cái gặp nhau để kể cho nhau nghe những chuyện nghe thấy trong ngày, điều đó đã thành thông lệ. Mà đã thông lệ thì không nên phá vỡ. Mình mời hai vợ chồng, không lẽ người ta bỏ con cái lại nhà?

Ông Hội đồng gật gù:

– Thằng Ba mày nói đúng. Theo phép lịch sự thì quan khách đi hai vợ chồng. Nếu họ đưa theo con cái thì chứng tỏ họ rất mến gia chủ. Mình mời họ là để kết thân với họ cho dễ làm ăn.

Nãy giờ Cậu Hai chỉ ngồi nghe, đến lúc này mới nói:

– Nên mời cả gia đình các quan khách, nếu bọn “xầy lồ cố” quá đông thì mình dọn cho chúng một hai cỗ bàn riêng. Còn một vấn đề này nữa, tôi biết thế nào chú Ba cũng sẽ nêu ra, nhưng tôi nói trước để còn… Cậu cười vì ai cũng biết là sắp tới cữ hút của cậu. Sau màn ăn uống phải có màn nhảy đầm. Mình đã chuẩn bị đủ mọi thứ cho cái màn đó chưa? Cậu Ba gật lia:

– Anh Hai khỏi cần nhắc. Đãi tiệc Tây mà thiếu khiêu vũ là kể như mới đãi một nửa. Chính tôi đứng ra lo vụ đó. Cái gì chớ nhảy đầm thì các maitre-danseur (thầy dạy nhảy) ở Paris đều nể mặt công tử Bạc Liêu này. Anh Hai biết không, tôi la cà trong giới một thời gian, biết rõ từng ngón sở trường của các lò dạy vũ. Tôi liền tới từng thầy, học hết các ngón hay của họ. Chẳng hạn như lò A, giỏi tango, mình tới học tango, lò B giỏi valse mình tới học valse, lò C giỏi foxtrot mình tới học foxtrot… Nhờ chơi điếm như vậy mà mình giựt nhiều giải, đoạt nhiều cúp vàng về khiêu vũ ở Paris. nếu ai cắc cớ hỏi mình đi Tây về đoạt được bằng cấp gì thì mình sẽ đưa ra cái permis lái xe hơi, permis lái máy bay và mấy cái bằng khen nhảy đầm nơi Kinh thành ánh sáng..

Cậu Hai cau mày:

– Chú đi Tây học tưởng vế với bằng bác sĩ, kỹ sư nào dè chú chỉ lo ăn chơi, lái xe hơi, lái máy bay với nhảy đầm…

Cậu Ba cười “giả lả”:

– Sẵn dịp tôi nói rõ cho ba má và anh Hai biết về chuyến đi Tây của tôi. Cố nhiên là tôi suy nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp tương lai của mình, để từ đó chọn trường để học. Theo tôi thì gia đình mình theo nghề của ông ngoại, mà cũng là nghề của đa số dân ta tức là “dĩ nông vi bổn” (lấy nghiệp nông làm gốc). Nhờ làm ruộng mà ông ngoại lên tới chức bá hộ, còn ba thì lên tới chức Hội đồng. bây giờ tôi làm bác sỹ, kỹ sư thì đâu có khó khăn gì, nhưng tôi muốn giữ lấy nghiệp nhà. Cho nên thay vì ghi tên vô các Đại học Ponts et Chaussées (cầu đường) hay Faculté de Médicine (Đại học Y Khoa) tôi để tâm nghiên cứu về nghề nông. Bên Pháp có một hạng người giống hệt như gia đình mình. Họ làm chủ đồn điền, có đồn điền trồng nho để nấu rượu, có đồn điền trồng lúa mì. Lúa mì cũng là lúa nhưng nhánh và gié to hơn, hột cũng to hơn lúa bên mình. Người ta gọi những ông chủ đồn điền này là “gentleman-farmer”. Đây là tiếng Ănglê, tiếng tương đương của Pháp là “fernier-gentilhomme”. Tôi có tới chơi và làm quen các ông chủ đồn điền này. Họ rất hiếu khách. Khi biết tôi thuộc gia đình đại điền chủ Nam Kỳ, họ tò mò muốn biết cuộc sống của gia đình ra sao. Nhờ lui tới các nơi này mình học được cách làm ruộng làm vườn của họ. Cái gì cũng làm bằng máy, cày xới có mày cày. Muốn cày sâu cày cạn đều được. Gặt đập cũng có máy gặt đập. Năm nào có nạn sâu rầy phá lúa, họ xịt thuốc sát trùng bằng máy bay. Đây là loại máy bay nhỏ, chỉ chở được hai ngưới, tôi xin ngồi phía sau phi công. Thấy lái máy bay không có gì khó. Sau đó về Paris tôi ghi tên học lái máy bay. Học một khoá ngắn ngày là bảo đảm an tòan. Có nhiều người quở công tử Bạc Liêu chơi ngông. Tại họ không hiểu ý nguyện của tôi. Nhà mình có trên trăm ngàn mẫu ruộng. Làm ăn suông sẽ không nói làm gì, rủi gặp thiên tai như sâu rầy, cào cào, châu chấu thì sao? Đọc sách báo nhà nông, tôi thấy nạn cào cào châu chấu ở nhiều nước thật là dễ sợ. Chúng kép tới đâu thì y như một đám mây. Đám mây đó đáp xuống đâu thì trong nháy mắt đồng lúa trụi lủi. Cho nên chỉ có máy bay xịt thuốc sát trùng mới nghinh chiến kịp thời. Mình phải học hỏi và áp dụng những phát minh sáng chế của người ta mà canh tân nghề nông nước nhà, Tôi đã dọ giá một chiếc may bay xịt thuốc sát trùng. Chỉ hơn chiếc xe Huê Kỳ Chervrolet ba vừa kéo về chút đỉnh thôi. Lái nó cũng không khó. Nếu như ba chịu thì con viết thư qua Pháp đặt mua một chiếc để xài.

Cậu Ba say mê kể chuyện bên Tây, cả gia đình chăm chú lắng nghe. Trước đây ông Hội đồng có nghe tiếng đồn Ba Qui qua Tây chỉ lo nhảy đầm với đua xe hơi, ông buồn lắm. Chừng nghe cậu con cưng giải bày đầu óc tân tiến của nó ông rất hài lòng. Thì ra không phải ai đi Tây cũng lo trở thành kỹ sư, bác sỹ, cũng có người biết theo con đường riêng của mình là học hỏi những gì ngành nông của mình đang cần. Ngay lúc này, ông Hội đồng đã nảy ra ý nghĩ mạnh dạn giao việc cho Cậu Ba để sau này yên tâm giao gia sản cho con cái. Hai đứa con đầu sẽ là hai cánh tay của ông. Câu Hai thâm trầm, chững chạc chính là đầu não, đấu đá với bọn chệt chành trong việc mua bán lúa gạo. Còn Cậu Ba với tánh hào hoa phong nhã và nhất là với cái bằng cấp đi Tây sẽ là nhà ngoại giao của kiến họ Trần Trinh. “Nhất thân nhì thế” là bí quyết của thành công. Về chữ “thân” thì gia đình Trần Trinh đã đứng đầu trong tỉnh về đất điền. Còn về chữ “thế” thì sau ba năm du học bên Tây, Cậu Ba chính là cái thế của dòng họ. Cái thế “thượng phong” này sẽ được nhân ra ngay ngày trở về, Cậu Ba sẽ thay mặy ông bà Hội đồng tiếp đón các quan chức Tây đầm trong tỉnh. Ông gật lia:

– Ba thấy rất cần có một máy bay để xịt thuốc sát trùng, trị rầy nâu, cào cào, châu chấu. Nếu mua thì thằng Ba mày phải lái chớ ở nhà có ai biết lái đâu.

Cậu Ba bắt qua đêm khiêu vũ:

– Cái máy hát của nhà mình xưa rồi. Con có mua một cái máy mới hiệu La vòix de son maitre. Trên Sài Gòn chưa có. Hôm mới về Sài Gòn, con có đi dạo chợ Bến Thành. Tiệm lớn nhất ở đường Vienot (Phan Bội Châu) là Chiêu Nam Viên chỉ chưng bán máy cũ 27 đồng một cái. Cái máy Con Chó thổi kèn này hát nghe rõ và lớn tiếng, đêm thanh vắng, cách xa cả trăm thước cũng nghe được. Đó là về cái máy hát. Còn dĩa hát thì con mua mấy chồng. Tất cả những bản nhạc nổi tiếng ở Pháp, Ý, Áo đều có đủ. Mở đầu các bal de famille (đêm vũ gia đình) bằng bản valse. Tôi có mua mấy dĩa Flots du Danube, rồi Danube bleu (Dòng sông xanh). Đây là hai bản nhạc tuyệt trần. Không cần lời ca, chỉ nhắm mắt nghe nhạc cũng thấy hiện lên trong trí cảnh nước vỗ vào bờ sông nghe lách tách. Còn tới màn tango thì có dĩa La Comparsita được thiên hạ tặng danh hiệu “lle roi des tangos” (vua điệu tango)… còn rumba thì có dĩa Tabou, xuất xứ từ nhạc rừng âm u của dân nô lệ da đen châu Phi, nghe vô cùng lâm li ảo não…

Cậu Ba đang say sưa thả hồn theo các điệu hát thì cậu Hai kéo trở lại thực tại:

– Dĩa hát và máy hát đã có rồi. Cần gì dài dòng. Cái quan trọng là có đủ đào cho quan khách hay không. Cái thú vị của nhảy đầm là bắt bồ với vợ kẻ khác. Có ai lại khoái nhảy với vợ mình! Đa số viên chức Pháp trong tỉnh sống độc thân. Phải có đào cho họ.

– Chuyện đó anh Hai cứ để tôi, Tôi viết thư cho “cai gà” vũ trường Tabarin, biểu chọn nửa chục em cave trẻ đẹp thơm như múi mít đưa xuống đây. Mình chơi đẹp thì các em chả ngại bỏ Hòn ngọc Viễn Đông đôi ba ngày, Tôi viết thư cho sốp-phơ đi ngay. Lấy chiếc Chevrolet mới mà đi. Nó chở nhiều hơn chiếc Ford.

Ông Hội đồng mở mo cau:

– Bao nhiêu thì đủ hả mậy Ba?

Cậu ba tính nhẩm:

–Mỗi em hai chục. Năm em là một trăm. Mình đưa tiền trước cho các em yên tâm. Nếu làm ăn tốt thì chừng họ về mình sẽ “bỉ lúi” thưởng thêm. Còn bây giờ thì ba ứng trước hai bộ lư (giấy một trăm) cho sốp-phơ lên Sài Gòn rước đào xuống. Tiền xăng, tiền phòng ngủ, tiền ăn uống dọc đường, ứng trước rộng rãi dễ làm việc.

Cậu Hai nói thêm:

– Rước ca-ve từ Sài Gòn xuống là chuyện phải làm. Nhưng mình nên mời một số chị em thuộc các gia đình “civilisé” (văn minh) trong tỉnh để cho xôm. Các bà các cô trong tỉnh biết nhảy đầm không phải ít đâu, như vợ ông đốc Thành…

Cậu Ba vỗ đùi kêu lên:

– Anh Hai nhắc tuồng rất hay! Mình có một đội ngũ giai nhân tuyệt sắc ngay trong giòng họ mình, tại sao không chỉ dạy cho mấy đứa nó vài điệu nhảy để giúp chúng nó dạn dĩ. Để tôi tình nguyện làm “maitre danseur”. Đó là “nghề của chàng” mà. Tôi thấy các “cousines” (chị em họ) của mình rất có khiếu khiêu vũ. Chỉ cần vài giờ tập thôi…

Ông Hội đồng đã cho in thiệp mời trên giấy đẹp. Ông nói:

– Việc đi mời quan chánh tham biện chủ tỉnh, phải thằng Ba mầy đi mời mới xong. Thằng Tây này xấc láo hết cỡ. Nó coi người An Nam mình như rơm rác. Mở miệng ra là “sale race” (giống dân dơ bẩn) hay là “pauvre nhaq” (nhà quê khốn khổ).

Cậu Ba cười lạt:

– Ba để con trị nó cho!

Bà Hội đồng hết hồn:

– Ý đừng! Mấy ông tây chủ tỉnh như vua một cõi, chớ có đụng tới nó mà mang họa đó con.

Ông Hội đồng cũng quơ tay:

– Mầy đừng có háo thắng, Tây bên xứ nó khác với Tây bên xứ mình. Bên nước đó, có thằng hay chữ, có thằng dốt nát. Nhưng qua bên này thì thằng dốt nhứt cũng làm cha thiên hạ. Tao có nghe một ông bác sĩ người mình than: học mười mấy hai chục năm mới lấy được cái bằng bác sĩ y khoa mà lương không bằng một đội xếp Tây là thứ hữu dõng vô mưu.

Cậu Ba cười để trấn tĩnh mọi người:

– Con biết chủ tỉnh là vua một cõi. Vua mà dốt thì lại còn nguy hiểm nữa. Con không dại gì chọc mấy thằng vua dốt đó đâu. Con có cách riêng của con để hạ bệ nó mà nó không giận được mình. Cái nghệ thuật đánh người bằng tay sắt bọc nhung đó, con học tại Kinh thành Ánh sáng đó ba má. Bây giờ hãy còn quá sớm để nói trước. Chừng con đụng độ với thằng chủ tỉnh, ba má sẽ thấy.

Cậu Hai nhìn Cậu Ba lom lom:

– Có phải mầy học được cái thói nói phét đó bên Tây không? Hồi ở nhà mày đâu có “ăn đằng sóng, nói đằng gió” như vậy.

Cậu Ba vỗ vai anh:

– Bộ anh nghĩ là thằng em anh “đi xa về nói dóc” chứ gì? Không phải vậy đâu anh. Em nói được là em làm được. Nhưng trước hết, cho em hỏi một câu, chỉ một câu thôi. Thằng chủ tỉnh này là hạng người gì và con vợ nó ra sao? Muốn đánh thắng thì phải biết trước địch thủ. Nó là trí thức hay võ biền? Nếu nó xuất thân trường chính trị hành chánh thì mình đánh kiểu trí thức. Còn nó là khố xanh khố đỏ thì mình đánh kiểu võ biền.

===================

link Phần 1:

link Phần 2:

===================

Nguồn: Tạp chí Đáng Nhớ.

 

Hotline

+(84) 907.197.907

+(84) 2917 300 094 (Ext:1)