Về Công tử Bạc Liêu
Công tử Bạc Liêu thường là cụm từ dân gian ở miền Nam Việt Nam đặt ra vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
Công Tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy sinh năm 1900 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình gồm 7 anh chị em (3 nam và 4 nữ).
Vào thời kỳ Pháp thuộc, sau khi học và thi bằng thành chung (bằng cấp cho người thi đỗ hết cấp cao đẳng tiểu học thời Pháp thuộc, tương đương với bằng tốt nghiệp trung học cơ sở ngày nay), muốn lấy bằng cấp tú tài thì phải lên Sài Gòn nhưng ông xin gia đình đi Tây du học để học hỏi và hiểu biết về văn minh xứ người.
Theo suy nghĩ của ông, ông vốn sinh ra trong một gia đình lấy nông nghiệp làm gốc. Vì nhờ vào nông mà ông ngoại ông lên chức Bá hộ và ba ông thì được lên chức Hội đồng. Nếu muốn học để lấy bằng Bác sĩ hoặc Kỹ sư thì đâu có khó khăn gì. Nhưng vì muốn giữ nghiệp nhà, cho nên thay vì ghi tên vào học các trường đại học Cầu đường hay đại học Y khoa, ông để tâm nghiên cứu về nghề nông.
Khi ở bên Tây, ông thường xuyên lui tới chơi và làm quen với các chủ đồn điền nên biết cách làm ruộng và làm vườn của họ. Cái gì cũng được làm bằng máy bay, cày xới thì có máy cày, muốn cày sâu hay cạn đều được. Gặt đập cũng có máy gặt đập. Năm nào có nạn sâu rầy phá lúa họ xịt thuốc sát trùng bằng máy bay, do vậy ông đi học lấy bằng máy bay tại Paris.
Sau này có một số người quở Công tử Bạc Liêu chơi ngông, sắm máy bay để khoe của nhưng họ không hiểu biết ý nguyện của ông.
Với gia sản của gia đình hơn 100 ngàn mẫu ruộng; và ông suy nghĩ nếu gặp phải thiên tai như nạn cào cào, châu chấu hoành hành, chúng kéo tới đâu thì nhìn như một đám mây. Đám mây đó đáp xuống tới đâu trong nháy mắt những cánh đồng lúa đều trụi lủi. Cho nên chỉ có dùng máy bay xịt thuốc sát trùng mới nghinh chiến kịp thời. Do đó, ông học hỏi và áp dụng những sáng chế của xứ người về canh tác nghề nông quê hương. Và ông đã sắm máy bay từ thời điểm đó (khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX năm 1930).
Công Tử Bạc Liêu vốn tính hào hoa, phong nhã và phóng khoáng. Sau 3 năm du học bên Tây, với đầu óc tân tiến, ông rất xem trọng những người phụ nữ; vì đối với ông, nam nữ phải bình đẳng, người phụ nữ Việt Nam không chỉ bó buộc trong bốn bức tường của căn nhà mà họ phải ra ngoài xã hội học hỏi cách giao tiếp. Đây là tư tưởng rất tân tiến của những thập niên 40 – 50, thế kỷ trước. Ở đồng bằng sông Cửu Long ông là người khởi xướng đầu tiên trong cuộc thi đấu xảo sắc đẹp, hoa hậu miệt vườn. Với ý tưởng đó của ông không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận nên họ nói ông có một cuộc sống phóng túng.
Vốn dĩ ông sinh ra trong một gia đình giàu nhất xứ Nam Kỳ lục tỉnh vào thời kỳ Pháp đô hộ nước ta, gia đình ông có quan hệ với chính quyền bảo hộ nhưng ông không tham gia bất cứ hoạt động chính trị nào cả. Năm 1947, thời Việt Minh chống Pháp, ông có giúp đỡ Việt Minh thông qua lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, lúc mấy giờ là ông Hai Sớm, bí danh Trần Văn Phong gồm 13 ngàn giạ lúa, thuốc men và một số vải vóc. Ngoài ra ông còn giảm tô cho tá điền từ 50%, 80%, thậm chí là 100% đối với một số tá điền có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời ông đã thực hiện đúng lời hứa và được Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu ghi nhận ông không làm tay sai cho Pháp đến cuối cuộc đời của ông.
Ông có tất cả bốn người vợ chính thức. Người vợ đầu tiên là bà Ngô Thị Đen ở với ông chỉ có một người con là cô Trần Thị lưỡng. Còn ba người vợ kế tiếp có tất cả với ông tám người con, đó là: Hiếu, Thảo, Nhơn, Đức, Hoàng, Toàn, Trinh, Nữ. Riêng người vợ đầm ở bên Tây khi đi du học sinh cho ông một cậu con trai.
Cuối năm 1947, ông lên Sài gòn, ở tại địa chỉ số 117 Nguyễn Du, quận 1 đối diện với vườn ông Thượng, bây giờ được gọi là công viên Tao Đàn. Riêng ngôi nhà tại Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu.
Ông khi lớn tuổi và bị bệnh nên được đưa vào nhà thương Đồn Đất, nay là Bệnh viện Nhi Đồng 2 nằm ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất vào ngày 13 tháng 1 năm 1974 (nhằm ngày 21 tháng Chạp) tại tư gia, biệt thự số 26/6 đường Nhất Linh, nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Linh cữu ông được đem về Bạc Liêu an táng tại phần mộ chung của gia đình Trần Trinh ở ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Tóm lại, cuộc đời ông như một giai thoại đã được không ít nhà văn viết thành sách với một chuỗi những câu chuyện vui nhiều hơn buồn, sự thật có và hư cấu cũng có, chủ ý cho độc giả biết đến ông. Một nhà văn miền Bắc đã hóm hỉnh ví ông bằng hai câu ca dao:
“Thân anh như cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay”
Ông rất xứng đáng với câu thành ngữ mà dân gian thường nói “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Là bởi vì nhắc đến địa danh Bạc Liêu, bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều biết đó là vùng đất đã sản sinh ra một con người thú vị đó là Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy.